Sunday, April 13, 2014

KHOA HỌC & PHÁM PHÁ

Jiddu Krishnamurti (1896-1986), một hiền giả Ấn Độ, một nhà tư tưởng vĩ đại xuất hiện như một ngôi sao sáng trên bầu trời triết học phương Đông vào cuối thể kỷ XX. Với tư tưởng phi tôn giáo, phi chính trị, ông hướng con người đến cái mục đích: giải phóng tâm trí được “tự do đến tận cùng”, tự do như con chim được thoả thê bay lượn trên bầu trời xanh không giới hạn.

Nền tảng tư tưởng Krishnamurti là một sự pha trộn giữa triết lý Vệ-đà và Phật giáo, xem thoát khổ là con đường đi đến cái tự do rốt ráo; nhưng tư tưởng đó lại được phát ngôn trên cái nhãn quan nhận thức về thế giới của một học giả Tây phương, khi ông không nhắc đến nghiệp quả, đến luân hồi, đến thần thánh hay đến một thế lực siêu nhiên nào chi phối ẩn tàng ở phía sau cuộc sống của mỗi con người. Nói theo quan niệm Phật giáo: Krishnamurti có Huệ Nhãn, có Tuệ Căn; nói theo triết lý phương Tây: Krishnamurti đã đạt đến cái Chân Lý của nhận thức hiện thực khách quan; đạt đến cái bất nhị nguyên, quy hồi về giai đoạn nhất biến - Thái Cực - của Lão học.

Một lần các đệ tử hỏi Chân Lý tìm ở đâu? Phật chỉ trăng và nói Chân Lý ở trên bầu trời quang đãng cao xa kia nhưng Chân Lý không phải là trăng, Chân Lý không phải ngón tay. Trăng và ngón tay chỉ là một thực tại để tìm đến Chân Lý. Giống như Phật giáo chỉ nhìn nhận mình là cổ xe, là phương tiện để đi đến một hoàn tất giác ngộ. Krishnamurti xem “Chân Lý là mãnh đất không có lối vào”. Không thể tìm kiếm sự tự do nếu dựa vào một phương tiện, một giáo phái, một tổ chức… hiện diện ở bên ngoài nhận thức. Krishnamurti đòi hỏi mỗi cá nhân muốn giải phóng chính mình phải bắt đầu từ cái trí không xao động, không bị biến dạng bởi cái vui thú được điều khiển bởi năm giác quan. 

Krishnamurti coi thiền định là phương tiện tốt nhất để soi rọi, để nhìn vào bên trong nội tâm của chính mình. Và một khi đã “gạn đục khơi trong” những gốc nguồn đau khổ, tự tay mỗi người sẽ chặt đứt từng sợi dây mê luỵ đã trói buộc mình, và sau đó, để chính họ được tự do tột cùng, tự do không giới hạn trong cái thế giới không ngừng biến động này.

Krishnamurti từ chối sứ mệnh được Hội Thông Thiên Học tiên tri trở thành “Bậc thầy của thế giới”, đặt mình tách rời khỏi những giáo lý tôn giáo, các học thuyết chính trị, chọn cách tự do du thuyết khắp nơi để giới thiệu phương cách làm tươi mới cái trí, làm sạch nhận thức khỏi tình trạng “nô lệ” vào triết hệ, vào tổ chức… vốn đã nhấn chìm con người vào sự xung đột trường dài diễn ra ở bên trong tâm trí, lẫn bên ngoài các mối quan hệ.

Krishnamurti đã ra đi nhưng tư tưởng vẫn còn, giá trị giải pháp vẫn còn khi những đau khổ của con người trong xã hội này, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai chẳng những không mất đi mà ngày càng nặng nề hơn. Con người của thế kỷ XXI, đang chạy trốn đau khổ của chính mình trong những thành tựu của giải trí: tivi, phim ảnh, internet… thế nhưng, dù có hiện diện đằng sau những cái nickname, và che đậy mình dưới những avatar sặc sỡ thì họ từng phút từng giờ vẫn đang đau khổ chính trong cái nội tâm đầy xung đột đang giẫy giụa giụa bên trong cơ thể mình.

Krishnamurti! Không ai khác! Tư tưởng của ông sẽ trở thành liều thuốc giải thoát cái Chân Ngã khỏi vòng vây ráp của Phàm Ngã cho loài người hiện tại, khi mà giá trị chân chính tôn giáo đang ngày càng bị vấy bẩn và bào mòn trong mắt đa số người.

No comments:

Post a Comment